Du lịch Hòn Bà Nha Trang du khách sẽ được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những hồ nước xanh ngắt, cùng những dòng suối uốn lượn và các con thác tuyệt đẹp. Đặc biệt con đường uốn lượn dưới chân núi Hòn Bà thu hút du khách khám phá và trải nghiệm thú vị.
Hòn Bà ở đâu Nha Trang?
Núi Hòn Bà có độ cao 1.578 m so với mặt nước biển, nằm giữa hai xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh và xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Với độ cao cùng khí hậu ẩm quanh năm và thiên nhiên hùng vĩ đã kiến tạo nên một Hòn Bà tuyệt đẹp và được mệnh danh là “Đà Lạt của Khánh Hòa”.

Núi Hòn Bà có độ cao 1.578 m so với mặt nước biển. Ảnh: fita.vn
Hòn Bà Nha Trang – “Đà Lạt của Khánh Hòa”
Du lịch Hòn Bà Nha Trang du khách sẽ được thỏa thích khám phá khu rừng nguyên sinh, những hồ nước nhân tạo tuyệt đẹp, những con thác hùng vĩ và rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.
Hồ Suối Dầu
Hồ Suối Dầu tọa lạc dưới chân núi Hòn Bà, thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa là địa điểm nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích khi du lịch Hòn Bà Nha Trang. Đây là hồ nước nhân tạo được xây dựng để cung cấp nước tưới tiêu cho người dân nơi đây và còn được gọi là khu công nghiệp Hồ Suối Dầu.
Hồ nước này rất rộng và ấn tượng với màu xanh ngắt trở thành điểm check-in sống ảo thu hút các bạn trẻ. Lưu ý, bạn chỉ có thể chụp hình thôi nhé và không nên tắm vì nước trong hồ rất sâu. Nếu muốn tắm bạn nên đi tiếp 16 km nữa sẽ thấy thác Suối Nguồn để thỏa thích tắm rửa tại đây.

Hồ Suối Dầu. Ảnh: mapio.net
Thác Suối Nguồn
Thác Suối Nguồn nằm dọc đường lên Hòn Bà, có giá vé vào cổng là 10.000 đồng/người. Gọi là khu du lịch nhưng thực ra nơi đây chỉ có vài chòi, lá để du khách nghỉ ngơi và dịch vụ ăn uống vẫn chưa phát triển nhiều. Khu vực thác lớn và có phong cảnh đẹp hút hồn, những tảng đá lớn nằm rải rác, mát lạnh và nước xanh ngắt.
Du lịch Hòn Bà Nha Trang du khách sẽ có cảm giác như đang ở Đà Lạt vậy. Một số khu vực tại đây có dòng nước phình to ra với những tảng đá quanh thác du khách có thể nghỉ ngơi hoặc nướng đồ ăn tại đây.
Nếu bạn có dự định cắm trại ở đảo Hòn Bà Nha Trang và ở tại thác Suối Nguồn thì cần mang theo quần áo ấm, vì về đêm nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C rất lạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng lửa đề phòng tình trạng cháy rừng, hỏa hoạn rất nguy hiểm.

Thác Suối Nguồn. Ảnh: travelgear.vn
Nhà bác sĩ Alexandre Yersin
Bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin là người đầu tiên phát hiện ra Hòn Bà vào năm 1913 khi ông tới đây ở. Qua nhiều năm nghiên cứu ông đã phát hiện thấy thời tiết ở Hòn Bà thích hợp để trồng cây ki na, dùng để bào chế ra thuốc ký ninh trong điều trị bệnh sốt rét. Ông đã cho xây dựng ngôi nhà gỗ lớn để sinh sống và làm việc, chăm sóc cho vườn thuốc của mình tại đây.
Hiện tại ngôi nhà của bác sĩ người Pháp này được phục dựng ở trên đỉnh núi và trở thành điểm tham quan, chụp ảnh hấp dẫn du khách.

Nhà bác sĩ Alexandre Yersin. Ảnh: nhatrangreview.info
Rừng nguyên sinh
Hòn Bà tọa lạc ở trên cao với khí hậu quanh năm mát mẻ và có hệ thực vật phong phú. Cùng với vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh hấp dẫn các phượt thủ tới trekking và chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thảm thực vật. Bên cạnh đó, khi tới Hòn Bà du khách còn được lắng nghe tiếng chim muông cất tiếng hót, những bản nhạc du dương của tiếng lá xào xạc.
Nhiều du khách khi du lịch Hòn Bà còn được cảm nhận sự kỳ bí, vẻ đẹp hoang sơ và được gần gũi với thiên nhiên. Điều đặc biệt nhất khi tới Hòn Bà là vào thời gian nào cảnh cũng đẹp. Vào buổi sớm mai những giọt sương được kết tinh với nhau trên đỉnh núi len lỏi những tia nắng trên tán lá tuyệt đẹp. Hoặc khi buổi chiều buông là lúc mặt trời ửng đỏ với những tia nắng vàng và đây cũng là thời điểm đẹp nhất để khám phá Hòn Bà.

Rừng nguyên sinh. Ảnh: mapio.net
Những lưu ý khi đi du lịch Hòn Bà Nha Trang
– Đi khi nào đẹp: Bạn có thể du lịch Hòn Bà vào bất kỳ thời gian nào trong năm đều đẹp. Nếu muốn khám phá suối, thác và trekking rừng bạn nên tránh đi vào mùa mưa từ tháng 10 – tháng 11.
– Cách di chuyển: Để tới Hòn Bà bạn đi theo hướng quốc lộ 1A -> rẽ vào đường đi xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) khoảng 1km -> thấy cột cây số đầu tiên báo đường đi tới đỉnh Hòn Bà 37km. Thời gian đi từ trung tâm thành phố Nha Trang tới Hòn Bà khoảng 2 giờ đồng hồ.
– Cẩn thận khi di chuyển bằng xe máy: Với chiều cao 1600m, cung đường nhỏ hẹp và có nhiều khúc cua rất nguy hiểm vì vậy nếu đi bằng xe máy bạn nên đi chậm để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa đường rất trơn trượt, vì vậy nếu không vững tay lái tốt nhất bạn không nên đi hoặc đi thật chậm.
– Nơi ăn nghỉ: Khu vực Hòn Bà chỉ có một số hộ dân nơi đây bán thịt gà luộc, các món thịt, cá nướng, canh rau… Nhìn chung dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi chưa phát triển nhiều, bạn có thể mua hải sản và đồ ăn uống mang theo. Có thể xin nghỉ nhà người dân nơi đây qua đêm hoặc cắm trại.