Năm 2018, tôi bị hụt mất cơ hội leo Fansipan, cho đến bây giờ “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nên vẫn luôn nung nấu trong đầu về việc leo những Fansipan, những Himalaya.
Cho đến hôm nay, lần đầu tiên chinh phục núi Bà Đen, lần đầu tiên thử sức với môn leo núi, là bước ngoặc đầu tiên cho những ngọn núi hùng vĩ sau này, có quá nhiều suy nghĩ trong đầu để viết ra đây.Ai đời đi leo núi mà nghĩ ngợi đủ thứ chuyện trên đời, mà cũng may là nó không làm tôi chùn bước mà còn để lại cho mình nhiều bài học.
TẠI SAO LẠI MUỐN LEO NÚI?
Một cuộc rủ rê của anh bạn, và tất nhiên một đứa luôn “say yes” với những thứ mà nó chưa làm thì không thể bỏ qua, đó lại còn là ý định của tôi từ hồi đời nào tôi cũng chẳng nhớ 🙂
Ngay từ đầu, những câu hỏi như “Mình có leo được không ta?”, “Leo lỡ bị gì thì sao ta?”…chưa bao giờ lóe lên trong suy nghĩ của tôi. Mà luôn luôn là : Dù có lết thì cũng phải lên được đỉnh. Tôi cũng không hiểu sao lại có máu hăng vậy, cũng không hiểu sao nhiều lúc lại tự tin thái quá mà không có căn cứ vậy. Nhưng chẳng phải đôi khi cũng cần bớt nghĩ ngợi một chút thì mọi chuyện sẽ dễ giải quyết hơn sao?
Leo núi đặt mình vào một tình huống mà nhất định phải tiến lên chứ không được bỏ cuộc. Leo núi để thử thách thể lực, thử thách ý chí.Còn tôi thích thử thách, ưa khám phá bản thân!
BÀI HỌC VỀ ĐỒNG ĐỘI, TEAMWORK
Dù là đi chơi bình thường hay làm việc, có nhiều người đi cùng nhau, làm cùng một team thì rất quan trọng và ảnh hưởng đến kết quả sau đó, nên việc chọn để rủ rê những thành viên hợp cạ để đi chung là việc nên suy nghĩ tới. Leo núi cần thể trạng tốt, nhưng cũng cần ý chí đủ mạnh mẽ để đi leo đến giữa núi mà không gào lên “Tao muốn đi về!”
Có câu, “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Đến trước khi bắt đầu leo núi, tôi vẫn chưa thấm được câu nói đó! Bản tính độc lập, và thấy mình làm việc một mình hiệu quả hơn nhiều so với làm việc nhóm làm tôi càng khó hiểu thêm.
Tôi có 3 người đồng đội, 2 nam và một nữ. Ngoài cái “mạng” thì cả bọn vác theo lều, đồ mặc, đồ ăn, nước uống, và các vật dụng cần thiết khác để tá túc qua đêm trên đỉnh. Mới đầu leo còn máu, còn giành vác đồ cho đồng đội, đi được một hồi là hai cái chân muốn rã ra, đùi đau nhức như ai đục vào đó vậy. Nhưng mệt thì nghỉ chứ cũng không cám kêu ca, vì lúc nào cũng nghĩ mình là cái “cục tỏa năng lượng”, chỉ được động viên người khác, làm động lực cho chính mình và người khác, nên không được kêu, không được làm tụt tinh thần mọi người, không được làm gánh nặng! Nhiều lúc cũng nghĩ mình cũng cần được cổ vũ, cũng cần được giải phóng cảm xúc, sao lại gắt với mình như vậy?
Trong suốt chuyến đi, anh bạn tui lúc nào cũng cố mang bớt đồ cho tôi mặc dù balo của ổng được dự đoán là tầm trên chục ký. Lúc đuối nhất, tôi tự nghĩ nếu không ai vác đồ hộ, không đi cùng với nhóm thì liệu tôi có vác nổi không? Câu trả lời là chắc chắn tôi vẫn cố lết để lên đỉnh, nhưng chắc là sẽ rất đau đớn và cô đơn. Có đồng đội để hỗ trợ nhau, có đồng đội để có thêm động lực để cố gắng, có đồng đội để không quá cô đơn trên con đường về đích.
LEO NÚI THÔIIII…..
Sau một giấc ngủ “nhẹ” thì bắt đầu thuê lều và leo núi lúc 13h. Suy nghĩ bằng đầu gối thôi cũng biết là giữa trưa nắng còn leo núi thì ắt mệt kinh khủng, không chỉ vì ngọn núi mà còn vì độ nắng. Vậy mà cả bọn vẫn ung dung, leo là leo thôi. Tất cả có 117 cột điện để leo đến đỉnh, mới đầu còn hô hào cứ leo mỗi 15 cột thì nghỉ, nghỉ 10 lần là đến đích. Đúng là không lượng sức mình mà :), leo đến cột thứ nhất là ná thở, chưa qua cột thứ hai mà đã muốn ngồi rệp xuống nghỉ rồi. Một thanh niên trong nhóm còn muốn ói, hạ huyết áp, rồi say sẫm, bởi trước giờ có leo trèo hoạt động chi đâu. Ngỡ là ổng sẽ xỉu, hoặc bỏ cuộc đi xuống luôn, nhưng hồi kết vẫn chưa kết thúc ở đó!
Thế là đổi chiến thuật thôi, mục tiêu leo khoảng 3-4 cột thì nghỉ, tiêu thụ bớt đống đồ ăn đồ uống mang theo. Ban đầu, mục tiêu sẽ là 117 cột điện, cũng giống như mục tiêu dài hạn, đó là lí do bạn bắt đầu. Nhưng trong quá trình thực hiện mục tiêu cuối cùng đó, phải biết chia mục tiêu ra thành nhiều mục tiêu nhỏ, nhiều cột mốc nhỏ. Chinh phục mục tiêu nhỏ trước, mới có động lực để chinh phục cái lớn hơn. Chẳng hạn đang ở cột số 5, cố gắng để leo lên cột số 10, chỉ cần 5 cột nữa thôi, cố lên! Nhưng nếu bạn tự nhủ mình còn 112 cột nữa đến đích, thì chắc chắn sẽ nản chết mất. “Great things are done by a series of small things.”
Điều quan trọng nữa là để đạt được mục tiêu, dấu hiệu nhận biết rằng chúng ta đang đi đúng hướng, là những cây cột điện, rất quan trọng. Chúng ta có thể đo lường được khi nào chúng ta đến đích, còn bao nhiêu cột nữa, còn phải cố bao nhiêu nữa. Nếu không sẽ rất mờ mịt, và dễ bỏ cuộc.
Leo núi cũng là một tình huống khá khắc nghiệt, mà tôi thì cảm thấy mình học được nhiều nhất trong những tình huống khắc nghiệt ấy. Tôi suy nghĩ nhiều vấn đề hơn, nhìn nhận lại bản thân nhiều hơn. Trong suốt quãng đường leo đó, tôi không ngơi nghĩ về những vấn đề xung quanh tôi. Leo núi cần sức mạnh về thể xác nhưng thứ giúp ta dồn tất cả để lên đỉnh, đó chính là sức mạnh ý chí. Mình phải mạnh mẽ, vì có những chuyện sẽ kinh khủng hơn việc leo núi gấp nghìn lần. Liệu mình có đang đi đúng hướng, tôi đang làm gì để thực hiện cho ước mơ của mình, mình có đang cố hết sức chưa, mình còn có thể làm gì hơn nữa? Tiếp theo tôi sẽ làm gì đây? Người đi cùng tôi sẽ cùng tôi được bao lâu nữa, đi đâu nữa?
VÀ DÙ GÌ ĐI NỮA THÌ TÔI NHẤT ĐỊNH KHÔNG DỪNG LẠI!
Tôi vẫn luôn giữ một niềm tin rằng tôi có thể làm được! Cuối cùng, cả bọn đã lên đến đỉnh trước thời gian dự đoán một chút. Không biết tôi đặt mục tiêu làm gì, nhưng mục tiêu thực sự là vượt qua được mục tiêu mà mình đề ra. Cảm giác như mình vừa đạt được mục tiêu, vừa phá vỡ được mục tiêu của chính mình, niềm vui nhân đôi.
Sau những giây phút mệt mỏi tưởng chừng như chân lìa ra khỏi cơ thể thì cuối cùng cũng đến đích. Đến nơi thì vẫn háo hức nhất là check-in chụp choẹt – một hoạt động chứng tỏ là mình đã trên đỉnh rồi này. Cảm giác mệt mỏi sẽ mất đi chỉ còn lại sự vui sướng, đôi khi chân mình vẫn đau đó nhưng không còn cảm nhận được nỗi đau đó nữa. Chúng ta xứng đáng hưởng cảm giác được ở trên đỉnh núi, ngắm trời, ngắm mây, ngắm vạn vật dưới chân mình. Chúng ta xứng đáng có những bức ảnh đẹp, một bữa ăn ngon do chính chúng ta tay xách nách mang từ dưới chân núi. Ai cũng bảo sẽ nhẹ nhàng biết bao nếu không phải vác đồ theo, nhưng tôi thì không nghĩ thế. Mỗi cái gì mang theo sẽ là mỗi vị cứu tinh khi chúng ta không biết chắc chuyện gì xảy ra, tôi chợt nhớ đến vài câu chuyện, trong tình huống đặc biệt, nếu bỏ bớt đi một vài thứ thì sẽ lần lượt bỏ thứ gì. Sự lựa chọn của bạn sẽ thể hiện con người bạn, cho những gì sâu thẳm nhất trong bạn!
Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều những nhóm bạn trẻ khác, có những người yếu, có những người rất khỏe, tôi nhìn thấy tinh thần hỗ trợ đồng đội của họ, nhìn thấy sự giúp đỡ của những người mặc dù xa lạ. Tôi tin, người với người sống để thương nhau. Và tôi cũng tin, không một ai bỏ cuộc trong hành trình đến đỉnh núi, cũng không một ai bỏ cuộc trong hành trình chinh phục ước mơ của mình.Khi ở trên đỉnh núi, nhiều người lớn trầm trồ chúng tôi vì đã tự leo lên đỉnh chứ chẳng phải đi cáp treo giống họ. Vâng, chúng ta cùng ở trên đỉnh nhưng với những cách thức khác nhau. Chúng ta đều có quyền chọn lựa, và tôi tin vào lựa chọn của tôi!
“Cho dù bây giờ bạn mơ hồ thế nào, trải qua bao nhiêu gian khổ mệt mỏi, nhưng hãy tin rằng, trong cuộc đời có những quãng đường bạn bắt buộc một mình phải đi hết. Cho nên, xin đừng từ bỏ hy vọng, vứt bỏ bản thân, dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng.” _ 999 lá thư gửi cho chính mình.