Chị Dương Thị Kim Cảnh (37 tuổi) là người dân tộc D/ao, hiện đang sinh sống ở bản làng người đồng bào D/ao ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Bà mẹ đơn thân trước đây từng dạy tiểu học. Từ năm 2018, chị Cảnh bỏ nghề để theo đông y, học Y học cổ truyền.
Trước khi đưa con trai đi phượt, chị Cảnh từng có nhiều kinh nghiệm phượt xuyên Việt. Đam mê “xê dịch” ngấm sâu vào máu, bà mẹ người D/ao lên kế hoạch cho con đi phượt từ khi còn đang trong thai kỳ. Một hành trình được chị phác họa rất rõ ràng, khi bé cai sữa, hai mẹ con sẽ khởi hành chuyến đầu tiên.
Từ khi mới 18 tháng, cu Giàng đã được mẹ bồng đi khắp những cung đường từ Đông Bắc qua Tây Bắc. Tháng 7 vừa qua, hai mẹ con hoàn thành một nửa chặng đường đi xuyên Việt.
Cu Giàng đã đồng hành cùng mẹ trên khắp các con đường đi lấy thuốc, hái lá rừng từ khi còn nhỏ nên có phần dạn dĩ, hiếu động.
Trước mỗi chuyến đi, bà mẹ người Dao đều trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng sinh tồn. Trong chuyến “phượt” Hà Giang lần đầu, chị Cảnh cùng con ngủ khách sạn, bungalow và nhà bạn bè. Cu Giàng về nhà an toàn, không ốm, không sốt, ăn ngủ khỏe mạnh.
Trong mỗi chuyến đi, chị Cảnh kết hợp tìm kiếm nguồn dược liệu Đông Y để bán, đồng thời kết nối nhiều bạn bè. Chi phí không quá tốn kém vì hai mẹ con chị có khi ngủ lều, võng hoặc tự nấu ăn.
Sau khi đi hết Đông Bắc, Tây Bắc, chị cũng đi thêm vài chuyến ngắn ngày đến Bình Liêu, Bắc Kạn và lên kế hoạch phượt xuyên Việt dịp hè 2022. Tháng 7, bà mẹ đơn thân bắt đầu từ Thái Nguyên di chuyển về Huế, sẵn tiện cho con đi thăm các di tích lịch sử đặc biệt nhân dịp 27/7 ở các tỉnh miền Trung.
Nhưng gần đến Huế, thời tiết nắng gắt, bỏng cháy da thịt. Thời gian di chuyển bị chậm hơn so với dự tính. Chị Cảnh đành quay về theo đường Trường Sơn nhánh Tây.
Về lại bản làng người Dao sau mỗi chuyến đi, “món quà” chị Cảnh đem về không chỉ là những tấm ảnh chụp lại kỷ niệm đẹp của 2 mẹ con mà còn là những điều mắt thấy tai nghe, những “lần đầu tiên” ấn tượng chưa từng trải nghiệm.
Theo Vietnamnet